Tuesday, November 15, 2005

“Trúng độc” lãng mạn

Khi yêu, đôi tình nhân lúc nào cũng như ở trên thiên đường với bao dự định mộng mơ, bay bổng. Nhưng khi kết hôn rồi, cuộc sống kéo họ về với thực tại, và ở đó, người phụ nữ luôn cảm thấy hụt hẫng, thất vọng vì ... chẳng còn chút lãng mạn nào.

Rồi so sánh và ước vọng về một thời đã qua làm cô càng buồn bực, chán nản, từ đó gây ngăn cách và mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng. Hoá ra lãng mạn cũng có thể là “mầm độc” đe dọa hạnh phúc lứa đôi.

V. và H. đi đến hôn nhân bằng tình yêu tính đến chục năm trời. Nhưng có một nỗi đau khổ V. giữ mãi trong lòng là người yêu mình thiếu lãng mạn. Từ người yêu đến khi thành vợ, mỗi lần nhìn thấy đôi trẻ nào tay trong tay bước đi trên phố V. lại quay sang thở dài nhìn người đàn ông của mình, một người cứ nói đến chuyện đi chơi là mệt mỏi, tối đến chỉ muốn ôm vợ ở nhà.


Rồi mỗi lần xem phim thấy những cảnh tình cảm âu yếm, ngọt ngào V. lại tiếc là mình vội lấy chồng để lỡ cả một thời thiếu nữ bồng bềnh. Giận thầm rồi đến những cái thở dài, những lời càu nhàu tại sao chồng mình không biết biểu lộ những pha lãng mạn đẹp như phim…

Còn H. chỉ lắc đầu không hiểu nổi suy nghĩ ảo tưởng như mộng du suốt ngày của vợ. Anh ra sức kéo vợ về với thực tại với hàng đống những công việc: thu vén nhà cửa, thăm hỏi họ hàng ốm, chăm sóc bố mẹ ai bên… trong khi V. vẫn kỳ vọng vào một người chồng tuyệt chiêu lãng mạn.

Lần cãi nhau to nhất chính là kỷ niệm năm năm ngày cưới. V. hồi hộp cả tuần tưởng tượng một đoá hồng đỏ thắm, một buổi đi chơi chỉ hai người, một căn phòng nhỏ xa phố phường, gần thiên nhiên với bữa ăn tuyệt vời trang hoàng bằng nến và hoa...

Hôm đó, V. khấp khởi rời công sở về nhà, mỉm cười thấy chồng chờ trước cửa. Dắt xe vào cho vợ, H. giục V. đi tắm rồi ăn cơm, anh đã làm vài món ăn mà vợ thích nhất. Thế là ngày kỷ niệm trong mơ đổ sụp, V. thất vọng đến cáu giận, bỏ cơm ở lỳ trong phòng ngủ. Đêm đến V. quấn chặt chăn khồn cho chồng động vào người.

Hôm sau V. tức tưởi kể lể với cô bạn và tuyên bố sẽ ly hôn vì thất vọng với người chồng chẳng biết tí gì lãng mạn, chẳng biết chiều vợ. Im lặng nghe xong câu chuyện, cô bạn chỉ nói một câu: “Mày trúng độc lãng mạn mất rồi”.

Trúng độc lãng mạn giữa đời thường có thể tàn phá tâm hồn, tình yêu, và những cuộc hôn nhân nồng nàn nhất.


Để trị trứng “trúng độc lãng mạn”, các chuyên gia tâm lý đã đưa ra 5 lời khuyên:

1. Vứt bỏ tâm lý đòi hỏi

Đừng nhăm nhăm trông chờ vào người ta lãng mạn với mình. Phải hiểu lãng mạn cũng như tình yêu, cần có từ cả hai phía.

2. Khống chế tâm lý bất mãn của bản thân

Bất mãn sẽ làm bạn không vui và càng “trúng độc” nặng. Câu trách: “Anh chẳng có chút lãng mạn nào”, “Anh là gỗ hay đá?” chỉ khiến chàng càng xa rời bạn mà thôi. Nếu anh chàng có nén giận làm một việc lãng mạn cho bạn thì khi ấy sự lãng mạn cũng biến chất rồi.

3. Hãy giữ ít nhiều sự hồn nhiên dù ở lứa tuổi, hoàn cảnh nào

Bằng lòng với tình yêu thương chân thành của chồng như phần cho vợ một quả táo, mồ hôi nhễ nhại trong bếp để nấu cho vợ một bữa cơm, đón con thay vợ vào ngày mưa hay buổi trưa nắng gắt… Đó cũng là một sự lãng mạn nho nhỏ mà nhiều khi còn đáng xúc động hơn bất cứ hành vi hào hoa nào.

4. Vun đắp lòng lạc quan cho mình

Hàng ngày hãy tự bảo mình rằng cuộc sống là thế đó, phẳng lặng và ổn định, không rộn rã hân hoan nhưng êm ấm, bình dị, thế là đủ. Cứ kiên trì tự khuyên mình như thế, mầm lạc quan sẽ bắt sâu vào tinh thần, rồi đến lúc bạn sẽ nhận ra mình đủ sức đề kháng với sự độc hại trong lãng mạn.

5. Hãy học cách hiểu đàn ông

Lãng mạn không phải là năng lực thừa thãi ở họ. Nếu người đàn ông của bạn lãng mạn mướt mát như phim ảnh, liệu bạn có thể yên tâm rằng anh ấy chỉ là của riêng bạn không?

Và lời cuối cùng là để nói với các chàng, cái sự hờn trách của chị em khồn phải là hoàn toàn vô lý. Phái mạnh cũng nên học cách chiều lòng người yêu bằng sự quan tâm sâu sắc đến những gì cô ấy coi là giá trị thiêng liêng như kỷ niệm ngày cưới, ngày tình yêu hay những buổi đi chơi, thư giãn chỉ có hai người…

Thái Anh

0 Comments:

Post a Comment

<< Home