Monday, November 14, 2005

Hình như là Tình yêu

Cầm bút viết khi còn rất trẻ, từ khi ấy, Hoàng Ngọc Tuấn đã là một khuôn mặt khá quen thuộc với bạn đọc. Tuyển tập truyện ngắn nhan đề "Hình như là tình yêu" của anh do nhà xuất bản Trẻ mới ấn hành là một tập hợp những truyện ngắn hay nhất của tác giả...
Với những chủ đề muôn thủa của văn chuơng như tình quê hương, tình cảm gia đình, bè bạn, những rung động của tình yêu ban đầu, những day dứt, khắc khoải của lứa tuổi mới lớn Hoàng Ngọc Tuấn đã chọn cho mình một giọng văn trong sáng và giàu tình cảm để chuyển tải những nội dung cũng rất tinh tế và nên thơ.

Trong truyện ngắn "Hình như là tình yêu" và cũng là tên của cuốn sách, hình ảnh Châu người con gái có nụ cười duyên cứ ám ảnh người đọc mãi không thôi. Những nụ hôn vụng về của tuổi mới lớn, sự nhớ nhung và giận hờn còn mang đầy tính trẻ con của hai cô cậu học trò dưa người đọc về một miền ký ức trong lành và tinh khiết biết bao. Rồi một ngày kia cũng bất ngờ như khi tình yêu đến sự chia tay của họ mang theo niềm tiếc nuối hư ảo như màu áo xanh của người con gái ấy. Và để rồi nhiều năm sau tác giả vẫn thấy yêu màu xanh ấy và tâm sự cùng chúng ta với câu hỏi thảng thốt tự đáy lòng mình hình như là tình yêu.

Cũng về tình yêu nhưng lại của những con người đã lăn lóc, bầm dập qua bao thăng trầm của cuộc đời. Toàn và Lục trong "Đừng đến sân ga" lại đến với nhau như định mệnh đã sắp đặt. Trở về ngôi trường cũ dậy học khi xưa, Toàn với mặc cảm thương tật đã bất ngờ nhận ra nơi đây có một vòng tay yêu thương đang đợi chờ anh. Người đọc chợt thấy lòng mình xe xắt lại khi Toàn nói với Lục rằng tôi chỉ là một thằng tàn tật nhưng chị đã trả lời anh rằng : “Tôi cũng sẽ trở nên một người tật nguyền thiếu thốn nếu mất Toàn”.

Viết nhiều về xứ Huế với tư cách là người con của đất cố đô nhà văn đã hé mở cho người đọc rất nhiều nét riêng của Huế, những khu vuờn tĩnh lặng với tàu lá chuối xanh mềm, những cây trứng cá rậm rạm, những ngày giỗ Tết tưng bừng nhộn nhịp, là hương vị của chén cơm trắng với cá kho ớt mặn mòi…Trong "Thiên đường nhỏ dại", ta sẽ lại tung tăng trở về tuổi thơ với những trò nghịch ngợm tinh quái, trò viết thư tỏ tình giúp cho người làm trong nhà khi nghỉ hè, những trò cá cược trẻ con khi thách đó nhau bày tỏ tình cảm vớI bạn gái cùng lớp bằng cách hét tướng lên, kỷ niệm những buổi đạp xe đi ăn chè cùng những thằng bạn thân… để rồi lại tiếc nuối thiên đường có thật của tuổi thơ trong khung cảnh rất Huế như thế cùng tác giả.

Huế cũng in đậm trong tác giả một nỗi đau còn mãi từ thời thơ dại khi chứng kiến người bạn nhỏ Hùng Vồ ra đi vì một tai nạn trong mùa mưa lũ trong chuyện "Sông Hương nước nhảy lên bờ" . Người đọc được chứng kiến một con sông Hương rất khác với những gì mô tả trong văn học xưa nay. Một cuộc sống đầy chất Huế, riêng của Huế cứ trải dài theo từng trang viết như lời tự sự nhẹ nhàng, ấm áp như cái chất giọng những người con xứ cố đô này.

Câu chuyện gọi điện tầm phào của Thư trong "Không còn ai trả lời" lại để lại trong cô nữ sinh mơ mộng một mối tình khó mà quên được trong cuộc đời mặc dù chẳng ai biết mặt ai. Câu chuyện được thắt nút, cởi nút rồi lại thắt vào với cái kết làm người đọc mãi bâng khuâng theo bức thư cuối cùng của Văn gửi người con gái mình yêu. Khi đọc xong câu chuyện, người đọc có thể tự thả hồn cho trí tưởng tượng của mình theo những diễn biến tiếp theo có thể hoặc không thể xảy ra như thế. Đó là cái hay của câu chuyện.

Xuyên suốt các câu truyện của tuyển tập truyện ngắn này là hình ảnh của những người con gái đầy nữ tính và mộng mơ. Những Sao Mây, Bích Câu, Thuý, Tiểu Muội, Lục, Lệ hay Mai... họ đều là biểu trưng cho những cái đẹp của đất trời. Hãy nghe tác giả viết về người phụ nữ trong truyện ngắn "Sinh Nhật": “đáng lẽ trời đất phải tổ chức sinh nhật ăn mừng giùm nàng, vì nàng sinh ra đời là một điều hãnh diện cho cõi trần gian nguội lạnh. Nàng làm ấm áp, thơm ngát, sáng lạn cuộc đời. ”. Có khi họ lại xuất hiện để làm cuộc sống của một chàng trai thay đổi dù là trong khoảng khắc ngắn ngủi như "Cô bé treo mùng", hoặc như mang đến hạnh phúc cho những câu chuyện tình có hậu như trong "Giao thừa sao quên" hay "Đừng đến sân ga". Nhưng có khi lại là những khởi điểm cho những niềm đau và các cuộc chia xa mãi mãi như trong "Lên xứ lạnh nhớ mặc thêm áo ấm" hay "Mùa xuân cuối cùng". Đối lập với những nhân vật nữ đó lại là các chàng trai lãng tử hay những chú học trò tinh nghịch. Họ bổ sung cho nhau, dựa vào nhau trở thành những cặp đôi “tôi và em” như một mô típ khá phổ biến trong các truyện ngắn trong tuyển tập.

Có thể nói truyện ngắn của Hoàng Ngọc Tuấn luôn là những câu chuyện viết về những người trẻ tuổi. Điều đó lý giải tại sao gần ba chục năm cầm bút anh vẫn có sức viết dồi dào đến vậy. Người trẻ tuổi đọc truyện để thấy mình trong đó còn những thế hệ đã đi qua tuổi trẻ lại muốn đọc để chiêm nghiệm một thời đã qua của mình...


VTV

0 Comments:

Post a Comment

<< Home